Vi Diệu Pháp Toát Yếu I – TÂM – CITTA (tái bản lần thứ nhất)
Với những ai tu tập trong giáo pháp của Đức Phật nói chung, nhất là với những ai quan tâm đến pháp hành thiền Chỉ tịnh (Samathakammaṭṭhäna) và thiền Minh sát (Vipassanäkammaṭṭhäna) thì không thể thiếu hoặc bỏ qua Vi Diệu Pháp được, bởi lẽ bộ môn này đóng một vai trò quan trọng trong Tam Tạng Kinh điển mà Đức Đạo Sư đã truyền lại cho chúng đệ tử của mình. Thật vậy, trong số 84.000 Pháp uẩn (Dhammakkhandha) được kết tập qua 6 thời kỳ thì riêng Tạng Vi Diệu Pháp chiếm đến một nửa, tức là 42.000 Pháp uẩn. Chưa kể, nội dung của Tạng này chỉ nói đến những vấn đề chủ yếu là Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma) chẳng hạn như Uẩn (Khandha), Xứ (Āyatana), Giới (Dhätu), Đế (Sacca), v.v…, và không đề cập các Chế định pháp (Paññattidhamma). Khi đã có căn bản về bộ môn này, người con Phật có nguyện vọng tiến tu thiền Minh sát để mong giác ngộ chân lý, thoát ly khổ não, phiền ưu thì như đã có tấm bản đồ trong tay, đã biết cách đọc bản đồ ấy và tự mình phải “lên đường” nhằm đạt đến cứu cánh tối hậu là giải thoát tử sinh luân hồi, không lo sợ phải lầm đường lạc lối nữa.
Do nhu cầu học tập bộ môn này ngày càng mở rộng và sách cũ cũng đã phát hết, nên chúng tôi nhận thấy cần tái bản cuốn giáo trình này. Trong lần tái bản này, chúng tôi đã có chỉnh sửa và bổ sung một số nội dung cần thiết. Mong rằng khi đến tay độc giả, ấn bản này sẽ giúp cho quý vị dễ đọc và dễ hiểu hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi biên soạn lại một vài chỗ sao cho phù hợp hơn và tinh gọn hơn, đặc biệt là quy ước lại cách canh dòng, canh lề, đánh số thứ tự, và phân bố chương mục, v.v…
Những ai lần đầu tiếp cận với bộ môn Vi Diệu Pháp ắt hẳn đều sẽ bỡ ngỡ, bởi vì trong lối sống lẫn trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta thường sử dụng ngôn từ và tư duy theo lề lối quen thuộc của cộng đồng mình đang sinh sống. Đó là kiểu nói năng và suy nghĩ theo các pháp Chế định, là sự quy ước của con người trong một cộng đồng nào đó với nhau. Nhưng Vi Diệu Pháp còn có thêm pháp Chân đế, haycòn gọi là Chân nghĩa pháp, là những thực tính pháp, có bản chất và tự tánh của nó, nên sẽ tạo ra không ít khó khăn cho người mới nhập môn trên con đường học và hành theo Chánh pháp của Đức Đạo Sư.
trích Giới thiệu sách