Vi Diệu Pháp Toát Yếu Tập IX – SAMATHA – CHỈ TỊNH
Trong suốt 45 năm hoằng hóa, Đức Phật đã tận tâm tận lực chỉ dạy con đường giải phóng chúng sinh thoát khỏi xiềng xích trói buộc của phiền não, của tam độc tham-sân-si. Đó là đường lối mà Ngài đã tự mình chứng ngộ dưới cội cây Bồ-đề, tại xứ Ấn Độ cách đây hơn 2600 năm.
Giáo pháp của Ngài gồm 3 phần chính:
– Pháp học (Pariyattidhamma)
– Pháp hành (Paṭipattidhamma)
– Pháp thành (Paṭivedhadhamma)
Để thành tựu Pháp thành, tức là Đạo, Quả, Niết-bàn, mỗi một hành giả cần phải có Pháp hành, bao gồm tiến tu thiền Chỉ tịnh (Samadhabhävanä) và thiền Minh sát (Vipassanäbhävanä); và tất nhiên hành giả không thể bỏ qua Pháp học, đó là những lý thuyết, những giáo lý căn bản mà Đức Thế Tôn cũng như chư vị đệ tử của Ngài đã tiếp nối nhau giữ gìn và truyền bá cho chúng ta đến tận ngày nay thông qua kinh điển còn ghi chép lại trong Tam tạng (Tipiṭaka).
Khi đã trau dồi, thông thuộc Pháp học, nắm vững những giáo lý mà Đức Đạo Sư đã truyền trao, hành giả cần phải bắt tay vào thực tập những lý thuyết đó trên thân và tâm mình để trí tuệ được bừng sáng, để thành tựu Pháp hành mình đang tôi luyện, và kết quả chính là Pháp thành. Trong quá trình thực hành đó, hai pháp thiền căn bản mà hành giả không thể bỏ qua đó là thiền Chỉ tịnh và thiền Minh sát.Thật ra, vào thời kỳ trước khi Phật giáo ra đời, các vị đạo sĩ đã tu tập thiền Chỉ tịnh rồi, có những vị đã chứng đắc Tứ thiền Bát định (7 Samäpatti), cả thiền Sắc giới lẫn thiền Vô sắc giới và có cả những vị thi triển được các phép thần thông, riêng thiền Minh sát thì chỉ có trong Phật giáo mà thôi.
Trích: Lời mở đầu của sách