LỜI NÓI ĐẦU
Päli, ngôn ngữ mà Đức Phật dùng để truyền bá giáo pháp vi diệu tự Ngài chứng ngộ trong suốt 45 năm ròng rã. Rồi sau đó, chư Thánh Tăng đã kết tập những lời dạy đó thành Tam Tạng và trao truyền cho chúng ta đến tận ngày nay cũng bằng văn tự Päli này.

Các quốc độ theo truyền thống Phật giáo Nam truyền vẫn còn tiếp tục dạy và học tiếng Päli dựa trên nền tảng Tam Tạng, Chú giải, Phụ chú giải suốt hơn 2600 năm Phật giáo trôi qua. Điều đặc biệt là tại mỗi nước, mỗi quốc độ thì việc ký âm tiếng Päli sẽ được ghi theo mẫu tự mà xứ sở đó đang dùng. Cho nên, khi ở Ấn Độ, Nepal thì tiếng Päli được chép theo mẫu tự Devänägri, sang Srilanka thì được ghi bằng mẫu tự Sinhalese, ở Miến Điện thì dùng mẫu tự Burmese, ở Thái Lan thì dùng mẫu tự của đức vua Ramkhămhéng đã chế tác, tại Campuchia thì dùng mẫu tự Kampujä, và các đất nước dùng chữ viết Latinh thì tiếng Päli vẫn ghi chép được bằng bảng chữ cái a,b,c,…

Điều tất nhiên, để tìm hiểu, nghiên cứu hay học và hành những lời Phật dạy theo hệ truyền thừa Theraväda thì phải biết đến tiếng Päli; chí ít ra là phát âm được, đọc hiểu nghĩa, dịch thuật, chưa nói đến đàm thoại hay giao dịch và viết văn bằng tiếng Päli. Muốn thế, cần phải có một giáo trình dạy tiếng Päli theo một chuẩn ngữ pháp đúng hệ Päli. Đây là một điều khá nan giải và khó thực hiện trong thời đại ngày nay.

Ở quốc độ Phật giáo Miến Điện, các chương trình nội điển sẽ học theo bộ Padarūpasiddhi và chuyên sâu là học vào các bộ: Kaccäyanavayäkaraṇa, Moggallänavayäkaraṇa, Saddanītipakaraṇa, để biết hết văn phạm Päli thì tối thiểu mất 3 năm không kém và phải chuyên tâm thuộc lòng, ghi nhớ hơn 600 công thức (sutta). Riêng ở Thái Lan, Ngài Đại trưởng lão Tăng vương đời thứ 10 của kinh đô Ratnakosindr Somdej Phramahasamanachao Kromphrayavajirayanvaroros đã kỳ công soạn lại, rút gọn từ các bộ trên thành một bộ giáo trình Päli, có tên là Päliveyyäkaraṇa dạy cho tăng sinh Thái suốt hơn 150 năm qua. Đây là một giáo trình rất phù hợp bởi vì không nhiều và sâu quá như các bộ trên và cũng không đơn giản, vắn tắt quá để người học không thấu rõ được nguồn gốc của từng từ ngữ Päli.

Nhận thấy sự cần thiết trong việc học tiếng Päli để hiểu biết chính xác, đi sâu vào những lời Phật dạy, chúng tôi đã dựa trên giáo trình của Ngài Tăng vương Thái Lan đồng thời kết hợp một số điểm ở 4 bộ trên mà soạn ra cuốn Văn Phạm Pälinày, mong đây là một đóng góp nho nhỏ cho những ai quan tâm tìm hiểu và có nhu cầu học tập ngôn ngữ Päli.

Trong quá trình biên soạn tất nhiên không tránh khỏi những sơ suất, lầm lỗi trên tất cả mọi mặt, cầu mong các bậc thức giả lượng tình chỉ dạy cho. Phần phước thiện này chúng con xin hồi hướng đến cho tất cả chúng sinh, nhất là thầy tổ, ông bà, cha mẹ, bà con quyến thuộc, bạn bè, cùng tất cả chư thiên và nhân loại. Cầu mong tất cả quý vị nhận lãnh phần thiện phước thanh cao này rồi được thoát khỏi khổ ách, an lạc lâu dài, …

Huế, mùa thu 2019
Tường Nhân Sư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *